Khi xây nhà hay bất kỳ công trình kiến trúc nào, việc thi công phần móng là vô cùng quan trọng. Móng có vững thì ngôi nhà mới bền. Xây móng cũng chính là tạo nên nền tảng ban đầu cho cả công trình. Hiện nay có nhiều loại móng khác nhau phù hợp với từng loại công trình tương ứng. Trong đó móng băng được nhiều kỹ sư chọn dùng nhất hiện nay. Vậy móng băng là gì? Chúng giữ vai trò gì đối với ngôi nhà? Hãy cùng Xây Dựng Trọn Gói tìm hiểu trong bài viết này bạn nhé.
Móng băng là móng gì?
Nhắc đến móng nhà, có lẽ ai cũng biết đó là phần gia cố giúp căn nhà được vững chắc hơn, tránh tình trạng sụt lún do trọng lượng căn nhà quá lớn. Tùy thuộc vào chất đất cùng với quy mô công trình xây dựng mà kỹ sư sẽ quyết định dùng loại móng nhà nào. Móng băng là một loại móng nhà có hình dải dài, cấu thành từ bê tông cốt thép. Móng băng là từng dải độc lập trải dài song song hoặc cũng có thể giao nhau một góc 90 độ tạo nên những hình chữ nhật theo thiết kế nền nhà. Chúng dùng để nâng đỡ toàn bộ kết cấu công trình và có độ lún đều nhau. Trọng lượng của công trình được dàn trải đồng đều, giảm nguy cơ lún, nứt gãy nhà. Đồng thời tăng độ an toàn cho gia chủ.
Móng băng thường được dùng cho nhà ở dân dụng, nhà cấp 4 được xây trên nền đất ổn định. Riêng với các loại đất có nguy cơ lún cao hay các công trình xây dựng đồ sộ, kiểu móng này sẽ không thể sử dụng được. Vì thế trước khi thi công bất kỳ công trình kiến trúc nào, kỹ sư luôn phải khảo sát mặt bằng để nắm được tình hình. Từ đó quyết định được phương án xây dựng phù hợp nhất.

Kết cấu móng băng
Hiện nay có 2 loại móng băng được dùng phổ biến là móng băng 1 phương và móng băng 2 phương. Loại móng 1 phương sẽ được thiết kế theo phương ngang hoặc phương dọc tùy theo tính toán và quyết định của kỹ sư. Loại móng này có kích thước lớn hơn so với móng băng 2 phương bởi chúng phải chịu toàn bộ trọng lượng của căn nhà mà không thể san sẻ cho nhau.
Trong khi đó loại móng băng 2 phương được thiết kế theo kiểu kết hợp cả phương ngang lẫn phương dọc. Điều này giúp dàn trải tải trọng của công trình tốt hơn, được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên loại móng nhà này chỉ áp dụng cho những công trình dưới 5 tầng nhằm đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng. Quy mô công trình lớn hơn thì móng băng sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu chịu lực.
Một móng băng về cơ bản được cấu tạo bởi các bộ phận sau:
– Dầm móng với kích thước 0,3 x 0,5 (hoặc 0,7) mét
– Bản móng chạy liên tục để liên kết móng thành một khối thống nhất, kích thước 0,9 – 1,2 x 0,35 mét
– Lớp lót bê tông dày 0,1 mét
– Thép bản móng dùng thép phi 12
– Thép dầm móng dùng thép dọc phi 6 và thép đai phi 8.
Những số liệu kích thước vừa nêu trên có thể được thay đổi tùy theo địa chất của công trình thi công. Kiến trúc sư sẽ có sự điều chỉnh sao cho thích hợp nhất trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn.

Ưu – nhược điểm của móng băng so với các loại móng khác
Ưu điểm nổi trội của móng băng chính là dàn đều tải trọng của công trình xuống đáy móng hoặc các cọc bê tông phía dưới. Từ đó hạn chế tối đa nguy cơ trọng lực dồn về một phía khiến nền bị sụt lún kéo theo tường nhà nứt, gãy, rạn. Kiểu móng này cũng giúp cho tường và cột được liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Việc ấy góp phần giảm bớt áp lực cho đáy móng cũng như trọng lượng cong trình truyền tải đều hơn.
Bên cạnh ưu điểm thì hiển nhiên vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhất định. Loại móng này có độ sâu khá thấp, chỉ thích hợp cho những khu có địa chất ổn định, ít bùn. Đồng thời khả năng chống trượt, chống lật của móng băng cũng kém hơn so với những loại móng nhà khác. Vì lí do này mà móng băng chỉ có thể dùng cho những công trình kiến trúc quy mô nhỏ (dưới 5 tầng).
Cách thiết kế, thi công móng băng
Trước khi thi công, kiến trúc sư sẽ thiết kế bản vẽ móng chi tiết dựa trên những số liệu khảo sát mặt bằng hiện trạng. Bản vẽ mặt bằng móng cho thấy cụ thể kích thước, hình dáng, nguyên liệu cần dùng là gì. Từ đó đội ngũ thi công có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện đúng với yêu cầu.
Bước thi công móng băng sẽ trải qua một số quy trình nhất định như:
– Giải phóng mặt bằng. Đơn vị xây dựng sẽ giải phóng toàn bộ mặt bằng cho khu đất chuẩn bị xây. Đập bỏ, dọn dẹp sạch sẽ và san ủi để tạo nên khu đất nền đúng tiêu chuẩn. Tiếp đến là tập kết nguyên vật liệu cũng như các loại máy móc, thiết bị và nhân công để chuẩn bị cho quá trình xây dựng.
– Chuẩn bị cốt thép cho công trình. Thép trước khi sử dụng cần kiểm tra kỹ về chất lượng, kích thước đã đúng với yêu cầu hay chưa. Sau đó uốn thẳng rồi mới tiến hành gia công làm cốt thép. Dựng cốt thép đúng vị trí, số lượng cũng như khoảng cách giữa các cốt thép với nhau.
– Sau khi xong bước 2 sẽ tiến hành dựng cốt pha để chuẩn bị cho quá trình đổ bê tông. Công việc này đòi hỏi sự ti mỉ và chính xác cao. Tránh trường hợp những tấp ván gỗ cốt pha bị xô lệch trong lúc đổ bê tông. Công đoạn này ảnh hưởng rất lớn đến độ bền của cả công trình xây dựng về sau.
– Đổ bê tông cho móng băng là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện. Sau khi trộn bê tông theo tỷ lệ quy chuẩn sẽ tiến hành đổ bê tông từ xa đến gần. Những tấm cốt pha đã dựng trước đó giúp định hình bê tông lỏng cho đến khi chúng khô hoàn toàn. Qúa trình đổ bê tông không phức tạp nhưng cũng đòi hỏi nhân công phải thực hiện cẩn thận, tránh làm hỏng cốt pha hoặc làm hỏng kết cấu, vị trí móng.
