Bếp là một trong những không gian quan trọng đối với căn nhà. Đây là nơi để gia đình sum vầy, quây quần bên nhau và gắn kết tình cảm các thành viên qua mỗi bữa cơm. Với người Việt Nam, việc giữ gìn hạnh phúc gia đình bắt đầu từ gian bếp luôn ấm cúng, đầy ắp tiếng cười. Để giữ “lửa” cho việc nấu nướng, điều đầu tiên là phải có một phòng bếp được thiết kế khoa học, gọn gàng, chỉn chu và bắt mắt. Bạn sẽ có thêm nguồn cảm hứng mỗi khi nhìn vào căn bếp xinh xắn, sạch sẽ. Trong bài viết này, Xây Dựng Trọn Gói xin chia sẻ với bạn những ý tưởng thiết kế bếp đẹp, áp dụng được với mọi kiểu nhà.
Thiết kế bếp cần lưu ý những gì?
Bếp là một thành phần gắn liền với ngôi nhà nên bạn cần chú ý một số vấn đề nhằm đảm bảo căn nhà của bạn không chỉ đẹp mà còn hợp phong thủy và an toàn khi sử dụng. Trước tiên, vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Dù cho gian bếp của bạn có diện tích lớn hay nhỏ thì bạn cũng cần tính toán bố trí các khu vực trong bếp cho thích hợp. Khu nấu nướng, khu sơ chế, dọn rửa, khu bảo quản lưu trữ đồ dùng. Thông thường 3 khu vực chính này được bố trí theo hình tam giác để tiết kiệm thời gian di chuyển khi nấu ăn. Tuy nhiên nếu nhà bếp của bạn không đủ diện tích thì vẫn có thể bố trí dạng đường thẳng.
Bàn bếp cần đảm bảo chắc chắn để nâng đỡ và chịu được sức nặng, sức nóng trong quá trình nấu nướng. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế tối đa khả năng cháy nổ bằng cách loại bỏ những vật dụng dễ bắt lửa, chuẩn bị sẵn bình cứu hỏa mini trong nhà. Nếu có thể hãy dùng bếp điện thay cho bếp gas nhằm loại bỏ nguy hiểm tiềm ẩn.

Đối với vấn đề phong thủy, đây là phạm trù khá rộng nên trong bài viết này, chúng tôi chỉ điểm qua một số vấn đề cơ bản mà bạn nên lưu ý như:
– Hướng đặt bếp: phụ thuộc vào cung mạng của gia chủ mà hướng bếp có sự thay đổi khác nhau. Khi thiết kế bếp, bạn nên trao đổi kỹ với kiến trúc sư về vấn đề này để được tư vấn cụ thể.
– Bếp không đặt ở vị trí trung tâm của căn nhà, thay vào đó là bố trí ở góc. Lí do vì bếp thuộc hành Hỏa, đặt ở giữa nhà (tâm nhà) sẽ gây xáo trộn, nóng nảy và không giữ được sự yên bình.
– Không đặt bếp nấu đối diện với bất kỳ cửa ra vào nào, kể cả cửa phòng ngủ hay cửa nhà vệ sinh.
– Không thiết kế xây dựng bếp ở những góc kẹt, nơi chật chội, ẩm thấp. Lửa cần phải có không khí thoáng đãng, nếu một vị trí quá chật hẹp sẽ làm cho vượng khí trong nhà bị giam hãm, không tỏa đi các khu vực khác được.
– Không đặt bếp bên dưới nhà vệ sinh của tầng trên. Đây là một điều đại kỵ bởi nhà vệ sinh thuộc hành thủy và bị cho là nơi ô uế, chúng sẽ chèn ép và gây nên nhiều bất lợi cho gia chủ.

Thiết kế bếp hiện đại
Ngày nay, phong cách thiết kế nhà ở rất đa dạng, nhiều phong cách mới được du nhập và đón nhận nồng nhiệt. Từ phong cách hiện đại cho đến tân cổ điển, Địa Trung Hải hay phong cách công nghiệp… Mỗi phong cách mang một vẻ đẹp khác nhau, đáp ứng thị hiếu của từng khách hàng. Đi kèm với đó là sự biến hóa của cách thiết kế bếp. Việc thay đổi này nhằm mang lại sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc. Hiển nhiên rằng bạn không thể lấy “râu ông nọ chắp cằm bà kia”, không thể xây căn nhà với phòng khách, phòng ngủ, ngoại thất hiện đại, sang trọng nhưng căn bếp lại “lạc quẻ” với bếp dầu, bếp củi nông thôn.
Kiểu bếp thiết kế hiện đại đang trở thành xu hướng được nhiều gia chủ lựa chọn. Chúng mang đến một luồng gió mới trong phong cách cũng như hình ảnh bắt mắt hơn. Bằng cách sử dụng vật liệu mới, bạn dễ dàng sở hữu một gian bếp cực kỳ ưa nhìn, hài hòa với tổng thể ngôi nhà.


Thiết kế bếp chung cư
Chung cư phần đa phần khá hạn chế về diện tích sử dụng đối với mỗi gia đình. Do đó khi thiết kế bếp các kiến trúc sư luôn tìm cách để mở rộng không gian cho gia chủ. Bếp chung cư sẽ được bố trí thông với phòng khách. Tuy nhiên sẽ có phương án để phân tách 2 không gian này trở nên riêng biệt. Thường thì xây dựng một bức tường chắn hoặc đơn giản hơn là sử dụng vách ngăn phòng khách. Sự đa dạng trong các mẫu mã vách ngăn đảm bảo cho bạn có nhiều lựa chọn hơn. Tránh gặp phải tình trạng nhàm chán khi sử dụng.
Bên cạnh đó, bếp chung cư thường ưu tiên thiết kế tối giản nhằm tiết kiệm diện tích nhất có thể. Từ mẫu mã kiểu dáng cho đến chất liệu màu sắc đều được tính toán tỉ mỉ. Thêm vào đó, sự phát triển của kỹ thuật hiện đại cho phép người dùng chọn nội thất đa chức năng. Các loại nội thất thông minh đang ngày càng được ưa chuộng.


Thiết kế bếp nhà ống
Nhà ống với đặc điểm chung là hẹp ngang nên khi thiết kế bếp cũng phải đáp ứng được tiêu chí tạo không gian mở đủ rộng rãi và sáng sủa. Không chỉ sử dụng ánh sáng nhân tạo mà còn phải biết cách tận dụng cả ánh sáng tự nhiên. Trổ cửa sổ là một trong những phương án dễ áp dụng mà lại có thể đưa thêm không khí trong lành vào nhà. Đồng thời kết hợp với việc sử dụng màu sắc một cách thông minh là bạn sẽ đạt được mục đích của mình. Ưu tiên dùng các màu sáng, màu pastel. Ưu điểm của bếp nhà ống là bạn dễ dàng thiết kế một phòng bếp riêng, tách biệt với những không gian khác. Do đó không lo lắng những vấn đề về việc bay mùi hay giữ sự riêng tư. Việc này cũng giúp phát huy tối đa chức năng của từng khu vực trong nhà.

Thiết kế bếp nhỏ
Một gian bếp nhỏ sẽ là vấn đề khiến bạn phải đau đầu, làm sao để sắp xếp cho bếp được gọn gàng sạch sẽ mà vẫn đảm bảo sử dụng tiện lợi. Một cách được nhiều người lựa chọn chính là “giấu đồ”. Đơn giản là bạn sử dụng hệ tủ bếp với cửa kín để cất giữ các vật dụng nồi niêu xoong chảo… Việc này giúp bếp của bạn trở nên gọn gàng và rộng rãi hơn. Để có thêm không gian lưu trữ, bạn hãy lắp đặt cả tủ bếp trên và dưới. Như vậy dẫu diện tích có nhỏ nhưng vẫn đảm bảo đủ đồ dùng cho căn bếp.

