Tất tần tật các chi phí cần dùng khi xây dựng homestay

Cùng với nhu cầu đi du lịch ngày càng gia tăng, các homestay mọc lên dày đặc nhằm đáp ứng điểm lưu trú cho du khách. Phàm là địa phương có tiềm năng du lịch, nơi đó ắt hẳn cần nhiều homestay. Không chỉ vậy, homestay cũng vô cùng thích hợp cho người khởi nghiệp kinh doanh bởi vốn ít và vận hành đơn giản hơn. Bạn đang có dự định xây dựng một homestay? Bạn muốn tìm hiểu thêm về cơ hội trong lĩnh vực này? Bạn còn nhiều lo lắng vì không biết phải bắt đầu từ đâu? Hãy để Xây Dựng Trọn Gói giúp bạn trả lời những câu hỏi trên nhé. Qua bài viết này, bạn sẽ có được phần nào đáp án cần thiết.

Xây dựng homestay ở đâu là tốt nhất?

Địa điểm xây dựng lí tưởng đối với từng loại công trình có sự khác nhau. Với nhà ở, người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Một ngôi nhà gần chợ, gần sông hay gần đường là tuyệt hảo nhất. Ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi nhưng quan niệm người xưa vẫn không hề sai.

Để homestay vận hành, phát triển tốt thì vị trí tọa lạc vô cùng quan trọng. Nếu có thể xây dựng homestay tại vị trí trung tâm thành phố, thị trấn, gần với chợ đêm, nằm ở mặt tiền đường hoặc hẻm rộng rãi thì đó là những lợi thế lớn. Khách du lịch khá ngần ngại nếu phải di chuyển xa, ở một nơi hẻo lánh. Bạn hãy hiểu rằng khách ở homestay đa phần là du lịch tự túc, tranh thủ thời gian nghỉ để đi du lịch. Do đó họ rất tiết kiệm thời gian cũng như chi phí.

Tuy nhiên, không hẳn 100% homestay đều xây tại trung tâm đông đúc. Tùy vào đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn mà bạn có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nếu bạn nhắm đến đối tượng khách nghỉ dưỡng, khách tìm sự yên tĩnh thì những homestay cách xa phố thị, nằm ẩn mình trong rừng lại có sức hút rất lớn với khách. Quan trọng nhất là đánh đúng tâm lý, thị hiếu khách hàng. Làm được điều này thì homestay của bạn mới phát triển lâu dài, cạnh tranh với các đối thủ khác.

xây dựng homestay
Chọn địa điểm xây dựng homestay là một trong những công đoạn quan trọng. Chúng quyết định đến tương lai lâu dài của homestay

Để xây dựng và đưa vào kinh doanh một homestay hoàn chỉnh bạn cần phải chi trả nhiều loại phí. Dưới đây là 5 loại chi phí tiêu biểu, chiếm phần lớn ngân sách của bạn.

Chi phí mặt bằng xây dựng homestay

Mặt bằng xây dựng luôn là khoản chi phí lớn nhất. Sẽ có 3 trường hợp đối với vấn đề chi phí mặt bằng.

Trường hợp 1: Bạn đã sở hữu sẵn đất (hoặc nhà) dùng để làm homestay. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí bởi đây là khoản chi “nặng” nhất và lâu dài nhất. Việc có sẵn nhà đất sẽ giúp bạn nhẹ gánh hơn rất nhiều trong việc kinh doanh homestay.

Trường hợp 2: Bạn không có mặt bằng và dự định mua đất để xây homestay. Tùy theo từng địa phương cũng như tổng diện tích mà giá trị thay đổi. Vài tỉ đồng là số tiền bạn cần có để có thể tậu cho mình mảnh đất như ý. Nếu xây dựng ở những thành phố lớn, vị trí đẹp thì con số này sẽ phải tăng thêm.

Trường hợp 3: Bạn không có mặt bằng và dự định thuê cơ sở vật chất có sẵn để xây dựng, cải tạo và đưa vào kinh doanh. Nếu bạn không có số vốn quá lớn để mua đất thì đây là phương án tối ưu. Bạn chỉ cần tìm địa điểm và thuê lại với mức giá hợp lý. Một lưu ý nhỏ khi thuê mặt bằng kinh doanh homestay: Hãy thuê dài hạn bởi kinh doanh homestay không thể hòa vốn nhanh chóng. Đồng thời hãy nhớ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ pháp lý, tránh tranh chấp về sau bạn nhé.

Chi phí thiết kế homestay trọn gói

Hoàn tất việc quyết định mặt bằng, cơ sở vật chất, bạn sẽ tiến đến bước thiết kế homestay. Tại sao phải thiết kế homestay? Đơn giản là việc này giúp bạn sở hữu một homestay bắt mắt, đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Chỉ khi bạn làm đúng ý, du khách mới đến với bạn.

Bạn hoàn toàn có thể tự mình thiết kế nếu như có khiếu thẩm mỹ tốt. Tham khảo nhiều mẫu homestay đẹp, khảo sát thị hiếu khách hàng mục tiêu, tìm hiểu mức giá cần chi trả. Tự mình thiết kế có một điểm lợi chính là tiết kiệm một phần chi tiêu cho bạn. Lấy đơn giá thiết kế trung bình hiện nay là 350.000đ/m2 thì với một mặt homestay 200m2, bạn đã bớt đi được 70 triệu. Một con số cũng không hề nhỏ đúng không nào.

Tuy nhiên, như Xây Dựng Trọn Gói có đề cập ở trên, bạn phải có khiếu thẩm mỹ tốt mới có thể tự mình thực hiện. Nếu thiết kế không phải sở trường của bạn, hãy thuê một đơn vị chuyên nghiệp làm thay bạn. Bạn sẽ an tâm giao phó công việc cho công ty thiết kế. Bạn cũng không lo lắng vấn đề xây lên xong lại phải sửa chữa vì thiết kế không vừa ý. Bạn hãy dành thời gian để tập trung cho việc lên ý tưởng kinh doanh hay chiến lược phát triển nhé.

thiết kế homestay
Thiết kế nhằm đảm bảo bạn sở hữu được một homestay đúng với thị hiếu của khách hàng.

Chi phí xây dựng, thi công homestay

Tiếp đến là công đoạn thi công, xây dựng homestay. Bạn có thể thuê trọn gói với công ty thiết kế bạn đã hợp tác. Hoặc cũng có thể tự mình tìm một đội ngũ thi công riêng và bắt tay thực hiện dự án của mình. Chi phí xây dựng phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Đắt hay rẻ, cao hay thấp là do bạn quyết định chọn lựa phong cách thiết kế gì, chất liệu sử dụng cho tổng thể, chi phí nhân công…

Công đoạn thi công xây dựng này chiếm một lượng lớn ngân sách của bạn nếu xây dựng từ đầu. Tuy nhiên, nếu bạn đã có sẵn nhà và chỉ cải tạo lại thành homestay thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn cả thời gian thi công.

Chi phí sắm sửa nội thất

Để hoàn thiện homestay, bạn cần mua sắm, trang trí nội thất sao cho bắt mắt. Từ bản thiết kế, bạn đã có được cái nhìn tổng thể cho không gian chung. Từng phong cách thiết kế (retro, vintage, hiện đại, tối giản…) yêu cầu bạn dùng các loại nội thất có tính chất tương đồng. Đó có thể là tương đồng về màu sắc, về kiểu dáng hay về chất liệu.

Ngoài ra, từng khu vực trong homestay yêu cầu có những đồ dùng cơ bản. Ví dụ như phòng ngủ phải có giường, nệm, gối, tủ quần áo, máy lạnh, quạt… Nhà vệ sinh cần có vòi sen, khăn tắm, xà bông, dầu gội… Có thể trang bị thêm bồn tắm nếu cần thiết. Phòng bếp ngoài những đồ gia dụng cơ bản, bạn bắt buộc trang bị bình chữa cháy. Việc trang bị bình cứu hỏa nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho homestay. Đồng thời giúp khách an tâm hơn khi lưu trú nơi đây.

xây dựng homestay
Dù bạn vận hành homestay lớn hay nhỏ, bạn vẫn cần phải sắm sửa đầy đủ nội thất thiết yếu. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Chi phí vận hành, duy trì và phát triển homestay

Khi đã hoàn thiện được homestay, bạn sẽ chính thức đi vào vận hành. Đây là lúc chủ homestay như bạn cần tính toán các phương án quảng bá tên tuổi của homestay. Trên thực tế, bạn cần làm việc này khoảng 15-30 ngày trước khi homestay mở cửa. Đây được xem là khoảng thời gian “demo” cần thiết. Giúp khách hàng có thời gian định hình được thương hiệu của bạn. Tùy thuộc vào chiến lược mà bạn có thể tiến hành trên website riêng hoặc quảng bá bằng facebook.

Hiện nay, mạng xã hội đang dần trở thành nơi tiếp thị thương hiệu mang lại kết quả khả quan. Đa phần khách hàng tìm kiếm thông qua các kênh này bởi chúng tiện lợi, trực quan. Để thu hút sự chú ý của khách hàng, bạn cần đầu tư bộ ảnh chụp thật bắt mắt. Đây là chìa khóa để quyết định khách hàng có chọn homestay của bạn hay không. Tuy nhiên, hãy nhớ chụp ảnh một cách trung thực nhất, chớ nên chỉnh sửa hình ảnh quá “ảo” mà làm khách thất vọng khi trải nghiệm thực tế nhé. Ngoài ra, bạn sẽ phải chi trả thêm phí chạy quảng cáo trên các nền tảng social media nữa.

Cuối cùng, các loại phí hàng tháng cần phải chi trả như nhân sự, điện, nước, internet…là những gì bạn cần phải tính toán.

Xây dựng homestay
Các loại chi phí vận hành, bảo trì, nhân sự…bạn phải nắm rõ